Nghỉ hè thì làm gì?

Kỳ nghỉ hè 2 tháng đã kết thúc (đùa thôi, thực ra vì dịch diễn biến xấu đi, công ty cho nhân viên work from home nên tôi đã tránh được 2 tháng hè nóng nhất trong năm). Lần đâu tiên được nghỉ hè có lương và không phải ra ngoài hít khói nên tôi có khá nhiều thời gian cho bản thân. Ôi thật là hạnh phúc!

Gần đây, tôi quyết định nghe podcast nhiều hơn để thay vì thụ động nghe chuyện thị phi xung quanh (những thứ mà tôi khó có thể thay đổi) thì tôi sẽ chủ động tiếp thu những thứ hay ho giúp mình phát triển. Sau đây là những kênh thú vị mà tôi nghĩ có thể giúp bạn tốt lên mỗi ngày.

Tôi bắt đầu với Huberman Lab, một kênh Youtube được phát triển bởi Andrew D. Huberman là một nhà khoa học thần kinh, giáo sư tại Đại học Stanford. Ông đã có nhiều đóng góp quan trọng trong các lĩnh vực phát triển trí não, độ dẻo của não, tái tạo và sửa chữa dây thần kinh. Trong mỗi podcast, Huberman không chỉ đưa ra các phương pháp để giúp bạn giải quyết vấn đề như làm sao để tối ưu bộ não, làm sao để tập trung hơn mà còn giải thích lý do tại sao dựa trên những hiểu biết sâu sắc của mình về hệ thần kinh người. Hầu hết các podcast có nội dung độc lập hoặc nếu có nhắc tới nội dung cũ thì Huberman sẽ nhắc lại nên bạn không nhất thiết phải nghe theo thứ tự mà có thể chọn một chủ đề mình yêu thích. Ngoài việc lấp đầy bộ não bởi kiến thức thần kinh học thì tôi cũng tiêu hóa được khá nhiều từ vựng tiếng anh mà không phải ghi chép gì. Đúng là một công đôi việc.

Trong một tập podcast nói về phát triển cơ bắp (Hypertrophy) ở phần The CO2 Tolerance TestHuberman có nhắc tới Andy Galpin, một chuyên gia về sinh học và tập luyện. Vốn là một người đam mê tập tạ, tôi phải tìm ngay kênh Youtube của nhân vật này để học hỏi. Sau khi nghe xong chuỗi video về hypertropy, tôi phải thốt lên với người bạn làm PT (Personal trainer - Huấn luận viên cá nhân) của mình rằng tại sao ở Việt Nam chúng ta có nhiều khóa học đào tạo PT nhưng không có một kênh nào làm content CHẤT LƯỢNGMIỄN PHÍ như kênh này. Tôi có cảm giác mình đang học môn sinh học nhưng thay vì ngáp lên ngáp xuống như hồi trung học thì giờ tôi thuộc lòng giải phẫu cơ bắp chỉ sau vài chục phút. Bên cạnh những kiến thức rất hàn lâm thì tôi còn biết được nhiều nhân vật úy tín có ảnh hưởng trong ngành qua những nghiên cứu được trích dẫn ở mỗi video.

Tôi biết bình năng lượng của mình sẽ cạn khá nhanh nên để đảm bảo đủ năng lượng cho khoảng 10 tiếng (làm việc, tập thể dục buổi chiều và học buổi tối) thì tôi đã đặc biệt chuẩn bị cho mình những nội dung không quá học thuật, dễ tiêu hóa và truyền cảm hứng cao. Với tôi, The Present Writer của tác giả Chi Nguyễn là một trong những lựa chọn hàng đầu. Tôi bị hấp dẫn bởi lối sống tối giản, về cách chị chia sẻ về những câu chuyện dễ thương trong cuộc sống như chuyện chọn bạn đời, chuyện học tiến sỹ hay chuyện làm sao để quản lý thời gian hiệu quả. 

Tôi từng trách bản thân và thậm chí còn xấu hổ vì trong khi nhiều bạn gái xung quanh lo lắng về ngoại hình, chồng con còn mối bận tâm hàng đầu của tôi luôn là hôm nay mình có tiến bộ hơn hôm qua không. Số bạn nữ tôi gặp có lối sống giống tôi đếm trên đầu ngón tay và không có ai ở gần tôi cả khiến tôi thấy buồn. Những lúc tôi yếu đuối, tôi thấy an toàn hơn khi ở một mình vì tôi không tìm được ai nghe tôi chia sẻ mà không làm tổn thương tôi bởi những phán xét kiểu "Ôi giời, có thế thôi mà cũng phải lo hả?" hay "Sao mà nghĩ nhiều thế hả?". Với tôi, bật podcast lên cho tôi cảm thấy có ai đó đang nói chuyện với mình, ai đó đang xoa dịu tâm hồn mình.

Tôi tình cờ biết Oddly Normal thông qua chia sẻ trên trang cá nhân facebook của một cậu nhóc tôi mới quen. Đầu tiên, tôi thấy khá tò mò về cái tên và lời giới thiệu của Episode 18: Lỗ giun bốn chiều. Vật lý hay khoa học nói chung luôn là chủ đề yêu thích của tôi nên kiểu gì tôi cũng phải ngồi nghe tập này cho bằng được. Mỗi episode là một chủ đề khác nhau từ kinh tế, chính trị, xã hội, khoa học tới cả tình dục, các khách mời và host hay trích dẫn nhiều nghiên cứu và bạn có thể tra cứu thêm ở phần note của podcast. Tôi thường sẽ để dành để nghe vào cuối tuần, khi tôi có nhiều thời gian rảnh hơn và muốn nghe những thứ lạ, vui và đỡ căng thẳng não.

Đại dịch Covid khiến nhiều bạn của tôi không có thu nhập, nhiều câu chuyện buồn mà tôi đọc được nhưng cùng với đó tôi nhận ra trong khoảng thời gian cách li ở nhà, mọi người có nhiều thời gian cho gia đình và cho chính mình. Tôi hi vọng những điều chia sẻ trên có thể giúp ích cho bạn. Hãy luôn yêu đời và tích cực nhé.

Comments

Popular posts from this blog

Suy nghĩ trên mây - Cuối hè?

Mình đã tập tạ như thế nào?

Ghi chép ngắn về Huberman Lab số 88